Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Bảy bí quyết để trở thành diễn giả


Diễn giả là một nghề thịnh hành trên thế giới, nhất là các diễn giả ở những quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Singapore... Đây là công việc mang đến thu nhập cao, được đi đó đi đây để chia sẻ những câu chuyện, truyền niềm tin và tình yêu cuộc sống cho người nghe. Tuổi thọ của nghề cũng khá dài, có những diễn giả hành nghề đến khi chết như Og Mandino, Norman Vincent Peale, Leo Buscaglia... Trên thế giới, thù lao mà một diễn giả được trả sau một buổi nói chuyện khoảng 5.000 – 50.000 USD tùy theo đẳng cấp và tên tuổi của diễn giả. Ngoại lệ, có những diễn giả xuất sắc như Anthony Robbins, Stephen Covey, Ken Blanchard, Zig Ziglar... có thể nhận thù lao lên đến 70.000 – 100.000 USD/buổi. Ngoài ra, diễn giả còn có thêm nhiều thu nhập khác từ việc viết sách, tư vấn, tổ chức chương trình cho đông đảo công chúng (public event), bán các vật phẩm như poster, hình ảnh, băng đĩa...


Ở nước ta, công việc diễn thuyết chỉ mới xuất hiện chính thức gần đây sau khi một số diễn giả nước ngoài được mời đến diễn thuyết tại Việt Nam. Tiếp theo là các chương trình diễn thuyết của diễn giả Việt Nam, ông Quách Tuấn Khanh, thực hiện do Trung tâm huấn luyện Thành công & Hạnh phúc (S.H.T.C) tổ chức đã thu hút được sự chú ý như "Nắm quy luật, hành động để thành công", "Dám mơ và sống với ước mơ". Trong lĩnh vực mới mẻ này, thị trường còn đầy tiềm năng và cơ hội rất lớn vì nhu cầu về các đề tài diễn thuyết đa dạng. Sau đây là 7 bí quyết cơ bản dành cho ai muốn vào nghề diễn giả do Diễn giả Quách Tuấn Khanh chia sẻ.

1. Đầu tiên phải nói hay

Một công cụ quan trọng diễn giả sử dụng để "hành nghề" chính là... cái miệng. Để lời nói thuyết phục, diễn giả không những phải luyện cho mình khả năng nói lưu loát, rõ ràng, dễ hiểu mà còn phải có ý tưởng, tạo được cảm xúc cho người nghe. Một nguyên lý trong nghề diễn giả là nói những gì bạn đã trải qua, làm qua, tin tưởng, bạn mới có thể chạm đến tâm hồn, trái tim người nghe, qua đó truyền niềm tin sang người nghe. Trước khán giả, bạn kể lại những trải nghiệm và đúc kết của bản thân, chứ không phải diễn kịch theo đơn đặt hàng.

2. Có khả năng diễn tốt

Một nhiệm vụ quan trọng của người diễn giả là diễn, diễn sao cho người nghe cảm thấy vui vẻ, thoải mái, giúp cho họ hấp thu kiến thức tốt hơn. Vì vậy, diễn giả có khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu, thậm chí diễn xuất nhằm minh họa cho nội dung diễn đạt không khác gì diễn viên kịch. Hơn thế nữa, diễn giả phải nhập tâm, đôi khi hóa thân vào câu chuyện mình đang kể để truyền sự hào hứng và tăng sức tác động lên người nghe.

3. Có kiến thức sâu và rộng

Ngoài kiến thức thật sâu về chuyên môn và đề tài mình nói, diễn giả còn phải có kiến thức tổng quát rộng. Để tác động giúp một người thay đổi, bạn phải hiểu được tâm lý, văn hóa, xã hội, nền tảng học vấn và những kinh nghiệm mà người đó từng trải vì đây là các yếu tố ảnh hưởng lên hành vi của họ. Ngoài ra, có những qui luật chi phối vạn vật trong cuộc sống, vì vậy diễn giả sẽ tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác để việc minh họa và thuyết phục của mình dễ đi vào lòng người hơn.

4. Học hỏi và thực hành mọi lúc, mọi nơi

Những gì bạn cần học hỏi cho nghề diễn thuyết đến chủ yếu từ cuộc sống quanh bạn, cuộc đời của chính bạn và từ trong sách vở. Vì vậy, bạn cần tập khả năng quan sát, nhìn sâu và đúc kết từ cuộc sống, học cách lắng nghe người khác không thành kiến. Cuộc đời bạn phải là minh chứng sống động nhất cho những gì bạn nói, và chỉ có sống dấn thân và hết mình, gặp gỡ nhiều người, bạn mới dồi dào vốn sống phục vụ các bài diễn thuyết. Nghề nào cũng vậy, càng thực hành, rèn luyện nhiều, bạn càng sắc sảo. Vì vậy, đừng bỏ qua cơ hội nâng cao khả năng trình bày, thuyết phục, xử lý tình huống... trong vô vàn những lần giao tiếp trong cuộc sống.

5. Tin tưởng vào con người và những điều tốt đẹp

Mọi người được sinh ra trên đời đều muốn sống cuộc đời tốt đẹp, muốn đóng góp cho cuộc sống. Mọi người đều có tiềm năng và có thể thành công nếu biết phát huy tiềm năng của mình. Đó là lý do các diễn giả chọn nghề này để giúp người khác thành công và hạnh phúc hơn. Nếu bạn không có niềm tin kiên định vào con người, bạn sẽ không thề truyền niềm tin cho người nghe để họ tin vào chính bản thân mình. Nên nhớ: mọi người đều có khát vọng vươn lên hoàn thiện bản thân, hoặc sống với những điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm làm điều đó. Bạn sẽ giúp họ có thêm dũng khí!

6. Mong muốn giúp người khác thành công

Diễn giả là người tin vào Luật nhân quả: cho để rồi nhận, giúp người khác thành công và hạnh phúc chính là cách để bạn có được thành công và hạnh phúc. Mong muốn này phải thật sự xuất phát từ nhận thức, từ con tim và cách sống của diễn giả. Nhờ đó, những gì diễn giả chia sẻ với người nghe luôn chân thành. Đôi khi phương pháp diễn giả sử dụng có thể làm người nghe bị "sốc", nhưng với mục đích nhằm giúp người nghe thay đổi tốt đẹp hơn nên "cứu cánh biện minh cho phương tiện". Diễn giả giỏi luôn có tấm lòng nhân hậu.

7. Đừng trở thành bản sao của bất cứ ai

Đừng là bản sao của bất cứ diễn giả nào, cho dù họ có tuyệt vời đến đâu đi chăng nữa. Hãy học hỏi từ họ cách diễn thuyết, xây dựng hình ảnh, quảng bá tên tuổi và tạo sức thu hút đối với người nghe. Nhưng bạn phải sáng tạo cho riêng mình, nếu không bạn sẽ xuất hiện rất nhợt nhạt trước khán giả của mình. Mỗi cá nhân là một kiệt tác của tạo hóa, không ai giống ai. Vì vậy, hãy tạo những nét riêng biệt, độc đáo, mang dấu ấn riêng. Bạn muốn mọi người nhìn bạn để ấn tượng về bạn, hay hình dung ra một người khác?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

LƯU TRỮ WEBSITE